Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng tăng
TTĐT - Sáng 23-8, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Dương". Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố; đại diện các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 70 cơ sở GDNN, trong đó có 06 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác hoạt động đăng ký GDNN.
Tổng số nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh là 2.632 người. Trong đó, trình độ tiến sĩ 18 người (0,7%); trình độ thạc sĩ 423 người (16,1%), trình độ đại học: 1.341 người (50,9%), trình độ cao đẳng: 294 người; còn lại 556 người trình độ trung cấp và trình độ khác (21,1%).
Trong giai đoạn 2017-2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được 309.415 người học (trong đó cao đẳng: 14.228 sinh viên, trung cấp 33.318 học sinh, sơ cấp và dưới 03 tháng: 261.869 học viên).
Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng tăng. Kết quả đào tạo nghề đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 68% (năm 2014) đã tăng lên 83% (năm 2023), trong đó tỷ lệ lao động có các văn bằng, chứng chỉ từ 19,5% (năm 2014), tăng lên 32% (năm 2023).
Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo ở các cơ sở GDNN được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đội ngũ nhà giáo tăng về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đạt chuẩn theo quy định để giảng dạy. Nội dung chương trình, phương pháp đào tạo được đổi mới; công tác kiểm định chất lượng được quan tâm thực hiện nên chất lượng GDNN được cải thiện.
Đại biểu thảo luận tại hội nghị
Qua ý kiến góp ý của thành viên Đoàn giám sát đối với những kết quả đạt được, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành và địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đặc biệt là người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN để tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực; đào tạo chuẩn hoá, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS, THPT vào GDNN; định hướng phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động và tạo cơ hội học tập suốt đời.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh cho biết, sau khi tiếp nhận những đề xuất từ các trường, cơ sở GDNN, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp gửi kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để có những giải pháp, chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Theo: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.
Link: Tin tức sự kiện - Bình Dương: Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau... (binhduong.gov.vn)